Sách mang đến cho tôi những chân trời mới

Hãy cùng chúng tôi điểm qua bài thi đạt giải Khuyến khích số 3 trong cuộc thi viết Nghị luận Xã hội tháng 9 nhé!

Đề bài: Em hãy trình bày suy nghĩ của mình về câu nói của M.Gorki: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới.”

Bài làm

Socrates đã từng băn khoăn: “Thế nào là một thân xác không có linh hồn? Đó là căn phòng thiếu đi những cuốn sách.” Quả là như vậy, sách chính là người bạn đồng hành không thể thiếu trên hành trình chinh phục tri thức và phát triển toàn diện của bất kỳ ai. Sách lưu giữ những điều kỳ diệu, là nguồn sáng không bao giờ tắt của trí tuệ. Dù vượt qua mọi giới hạn cuộc sống, sách vẫn luôn đồng hành cùng con người. Có lẽ bởi vậy, M.Gorki đã khẳng định: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới.”

Sách và “những chân trời mới” đó là gì? Đây có lẽ là câu hỏi trong lòng nhiều người. Đầu tiên, sách là các văn bản được in thành quyển, chứa đựng vô số thông tin, kiến thức đã đúc kết từ nghiên cứu, kinh nghiệm của nhiều tác giả. “Chân trời mới” là những kiến thức mới mà ta khám phá khi đọc sách, có thể là tri thức, niềm vui, hay hạnh phúc. Nhận xét của M.Gorki cho thấy giá trị tuyệt vời của sách trong đời sống. Sách giúp ta khám phá điều mới lạ, phát triển nhân cách, nâng cao bản thân một cách toàn diện.

Tại sao nói “sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”? Bởi sách cung cấp nguồn thông tin, kiến thức phong phú đa dạng trên mọi lĩnh vực. Nó lưu trữ kết quả nghiên cứu, tinh hoa mà con người có thể chiêm nghiệm qua thời gian dài. Từ quá khứ, sách đã tồn tại, ghi lại những chặng đường lịch sử, bài học quý báu. Đến hôm nay và mãi sau này, chúng ta có thể quay về quá khứ, khám phá mọi miền đất qua từng trang sách. Như Voltaire từng nói: “Những gì sách dạy ta như ngọn lửa. Ta mượn nó từ nhà hàng xóm, thắp sáng trong nhà ta, chia sẻ cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người.”

“Cuộc đời biến đổi qua những người ta gặp và những cuốn sách ta đọc.” – Harvey Mackay. Sách có tác động kỳ diệu, nhiều người từng tự hỏi: “Tôi đã sống hết đời nhưng vẫn không tìm thấy chính mình”. Họ không biết rằng, sách có thể giúp họ giải tỏa những khúc mắc ấy. Đọc sách giúp con người tự hoàn thiện. Mỗi cuốn sách mở ra nguồn tri thức mới, bài học mới, tư duy mới. Bạn sẽ khám phá ra những điều trước đây chưa từng thấy, hoặc thấy theo góc độ khác. Bạn có thể tìm thấy ước mơ, khát vọng qua sách và chọn cho mình con đường tương lai.

Hơn thế nữa, sách còn có sức mạnh giáo dục lớn lao. Ngoài cung cấp tri thức không giới hạn, sách còn giúp phát triển nhân cách. Những tác phẩm văn học, sách về cuộc sống bồi đắp tâm hồn, cảm xúc con người, dạy ta biết yêu thương, đồng cảm với những số phận cơ cực. Sách như “Hạt giống tâm hồn” dạy nhiều bài học về đạo đức. Các tác phẩm như “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Đời thừa” của Nam Cao khắc họa giai đoạn khốc liệt khi đất nước lâm vào cảnh túng quẫn, giúp độc giả cảm thông với thân phận con người. Sách là cầu nối vô hình, thắt chặt thêm các mối quan hệ. Nhiều cuốn sách đã mở ra “chân trời mới” cho hàng triệu người, thậm chí cả nhân loại. Các tác phẩm của Bruno, Galile về quả đất, thái dương mở ra kỷ nguyên mới trong khám phá tự nhiên. Sách của Darwin về giống loài giúp hiểu thêm về thế giới sống và loài người. Tác phẩm của Shakespeare, Diderot,… thực sự tạo nên cách mạng. Đọc Balzac ta hiểu về thế giới tư bản và sức mạnh kỳ lạ của đồng tiền. Sách cũng là hình thức giải trí bổ ích. Với nhiều thể loại, chủ đề và phù hợp từng độ tuổi, sách gắn bó với trẻ em từ những câu chuyện cổ tích, truyện kể trước khi ngủ. Tản văn, tiểu thuyết, truyện ngắn làm tâm hồn con người thêm sâu sắc. Lợi ích của sách là vô tận.

Sách có ích như vậy, nhưng làm sao để sử dụng hiệu quả? Trước khi đọc, cần xác định rõ chủ đề, mục đích mà sách chuyển tải. Kết hợp với cách đọc đúng, chọn lọc thông tin hữu ích. Phải tư duy, suy nghĩ về các vấn đề và hành động sau mỗi bài học. Có phương pháp đúng, sách sẽ mang lại lợi ích vô biên.

Hiện nay, sách vẫn là hạt mầm phát triển tương lai. Không chỉ in trên giấy, sách còn xuất hiện trên Internet hay “ebook”. Dù dưới định dạng nào, chúng ta cần chọn lọc kỹ lưỡng, không mua sách nhập lậu, nguồn gốc không rõ ràng để không tiếp tay cho xấu xa. Văn hóa đọc ngày càng mở rộng qua thư viện, hội sách, ngày đọc sách, giúp sách đến với nhiều đối tượng. Nhận thức tầm quan trọng của sách, mỗi người cần phát huy tối đa lợi ích mà sách mang lại. Nhiều người yêu sách đã lan tỏa văn hóa đọc văn minh rộng rãi. Điển hình là phong trào Book Box – do giới trẻ Việt Nam khởi xướng, những hộp sách đặt tại nơi công cộng để mọi người đọc miễn phí. Đầy ý nghĩa và thiết thực, phong trào này mang sách đến gần hơn với mọi người, thể hiện tinh thần nhân ái và chia sẻ. Ông Phạm Thế Cường ở Gò Vấp – chủ thư viện tư nhân miễn phí phục vụ cộng đồng. Là người yêu sách, ông đã dày công sưu tầm sách quý cho mọi người, nhất là trẻ em. Thư viện tổ chức chuyên đề văn học, tạo cơ hội cho người yêu sách chia sẻ đam mê.

Tuy nhiên, vẫn còn những sách tiêu cực lưu hành. Một cuốn sách “xấu” là khi xuyên tạc đời sống, mang kiến thức sai lệch, gây thù hằn, đề cao bạo lực và bản năng thấp kém. Gần đây, cuốn sách “Vì cậu là bạn nhỏ của tớ” của Tun Phạm bị chỉ trích vì có nội dung xuyên tạc phẩm giá phụ nữ, sử dụng thơ trái phép và quảng bá phản cảm. Đọc sách đó không giúp tâm hồn mở rộng mà còn khô cằn vì cảm xúc tiêu cực. Sách có thể là thuốc bổ tinh thần, nhưng cũng có thể là ma túy, thuốc độc đối với tâm hồn.

Để đạt thành công, niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống, không cách nào khác ngoài việc đọc sách. Sách giúp ta sống có khát vọng và cống hiến hết mình, tạo ra giá trị tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội. “Sách nằm im là sách chết.” Chúng ta hãy cùng lan tỏa văn hóa đọc cho mọi người, xây dựng lối sống văn minh, từ đó giúp phát triển và hiện đại hóa đất nước. Khi ấy, bạn sẽ nhận ra rằng “sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *